hể thao Việt Nam không thiếu những ngôi sao vượt lên từ gian khó, nhưng tay vợt từng xếp thứ 5 thế giới Nguyễn Tiến Minh lại là câu chuyện khác. Anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện khá giả ở TP.HCM.
Tiếp xúc với cầu lông từ năm 10 tuổi, khi đó Tiến Minh ngay lập tức đoạt giải Nhất cấp trường. Niềm yêu thích trở thành đam mê, gia đình đã đồng ý để anh ‘rẽ ngang’ ở tuổi 18, quyết tâm trở thành VĐV chuyên nghiệp thay vì chọn một trường đại học.
Nhờ nền tảng của gia đình, Tiến Minh tự tin, chủ động trong kế hoạch thi đấu và tập luyện. Chuyện anh và gia đình bỏ tiền ra tập luyện và thi đấu tại nước ngoài không phải điều gì quá mới mẻ. Đó là một thuận lợi trong xuất phát điểm của tay vợt này.
Không được tập luyện bài bản từ bé, mãi đến năm 18 tuổi, anh mới chính thức theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Thêm vào đó, thể hình của tay vợt sinh năm 1983 cũng không phải lợi thế. Bù lại ý chí kiên cường đáng ngạc nhiên đã giúp anh có mặt ở top 10 làng cầu lông thế giới.
Nhưng khi đạt ở đỉnh cao của sự nghiệp, đẳng cấp đã vươn đến tầm thế giới, Tiến Minh phải đối diện với một thực tế: Không HLV trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn. Nếu có cũng chỉ là sự hỗ trợ phần nào vì sự chênh lệch trình độ quá lớn. Suốt một thời gian dài, Tiến Minh phải chấp nhận cảnh tập chay không có giáo án chuyên môn.
Kinh phí tiếp tục là câu chuyện nối dài trong các chuyến thi đấu nước ngoài. Do ngân sách chỉ đủ để hỗ trợ một suất của Tiến Minh nên anh chủ yếu tham gia các giải đấu một mình mà không có huấn luyện viên, không người hỗ trợ, phải tự cố gắng trên sân đồng thời chăm sóc các vấn đề kỹ thuật lẫn hậu cần.
Dường như anh đã một mình vượt qua những điều kiện hạn hẹp của cầu lông Việt Nam để sẵn sàng đương đầu với các tay vợt ‘máu mặt’ của những cường quốc cầu lông.
Từng chia sẻ trên truyền thông, Tiến Minh cho biết mỗi lần đi thi đấu nước ngoài là một lần tủi thân của tay vợt này. Nhưng tủi thân mãi cũng thành quen. Anh không mủi lòng vì tình cảnh một mình chinh chiến. Thậm chí anh coi đó là chuyện bình thường do đã hiểu được thực tại của thế thao nước nhà.
Hiểu rõ bản thân, trong một lần giao lưu với người hâm mộ, anh đã chia sẻ rằng khi ở top đầu của thế giới, điểm mạnh nhất có được, đó là sự lì lợm. “Tôi có thể phòng thủ nhờ phản xạ với những cú đập của đối thủ. Ngoài ra, tôi kiên trì đánh cho đối thủ ‘hết pin’ thì thôi”.
Tay vợt ”không tuổi”
Tương tự như Hoàng Xuân Vinh, Tiến Minh là một trong số ít các VĐV của Việt Nam nhiều năm liền ổn định ở top đầu thế giới. Tháng 12/2020, Liên đoàn cầu lông thế giới đã công bố bảng xếp hạng, Nguyễn Tiến Minh lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt vào top 5 tay vợt mạnh nhất thế giới.
Liên tục thời gian sau đó từ 2010-2014, anh duy trì trong top 10 tay vợt hàng đầu thế giới. Anh đã có lần thứ 2 ở vị trí thứ 5 thế giới vào tháng 8/2013, thành tích có được sau tấm HCĐ giải vô địch thế giới.
Ở thời điểm Olympic 2016, thay vì kết thúc sự nghiệp VĐV như dự tính ban đầu, Tiến Minh đã lùi lại vài năm. Anh cảm nhận rất rõ sự mến mộ của khán giả dành cho mình.
Chưa có đội ngũ kế cận tương xứng, ở tuổi 38, anh vẫn đại diện cho cầu lông Việt Nam dự Olympic 2021 với tư cách tay vợt nhiều tuổi nhất. Trong khi những huyền thoại như Lee Chong Wei hay Lin Dan đã giải nghệ ở tuổi 37, Tiến Minh vẫn chinh chiến.
Trước những cố gắng, bền bỉ của VĐV sinh năm 1983, Liên đoàn cầu lông thế giới đã dành thời khen đến anh: ”Vẫn vô cùng bền bỉ ở tuổi 38. Tiến Minh vẫn không cho thấy dấu hiệu của tuổi tác mặc dù là vận động viên nhiều tuổi nhất ở bộ môn cầu lông tại Olympic năm nay.
Anh xuất hiện lần đầu tại kỳ Thế vận hội vào năm 2008, khi đương kim số 1 thế giới là Kento Momota mới chỉ 13 tuổi.